Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào Thơ mới. Ông đã góp phần làm cho nền văn học dân tộc phát triển đa dạng hơn. Sự đóng góp tích cực của Hàn Mặc Tử phải kể đến việc lập nên “ Trường thơ loạn Bình Định”, mà ở đó thi sĩ họ Hàn là vị chủ soái.
Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào Thơ mới. Ông đã góp phần làm cho nền văn học dân tộc phát triển đa dạng hơn. Sự đóng góp tích cực của Hàn Mặc Tử phải kể đến việc lập nên “ Trường thơ loạn Bình Định”, mà ở đó thi sĩ họ Hàn là vị chủ soái.
Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh tại Đồng Hới (Quảng Bình) trong một gia đình công giáo nghèo. Năm 14, 15 tuổi đã nổi tiếng là “thần đồng” thơ ở Quy Nhơn. Bắt đầu con đường thơ ca bằng thơ Đường luật, khi Thơ mới bùng nổ, ông chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn. Mắc bệnh phong khi đang ở độ phát triển rực rỡ nhất của tài năng (24 tuổi), Hàn Mặc Tử đã phải về Quy Nhơn chữa bệnh. Thời gian này ông vẫn tiếp tục làm thơ cho đến lúc mất tại trại phong Quy Hoà.
Sáng tác của Hàn Mặc Tử để lại không quá đồ sộ, gồm các tập thơ: “Lệ Thanh thi tập”, “Gái quê”, “Đau thương”. “Xuân như ý”, “Thượng thanh khí”, “Cẩm châu duyên” và các kịch thơ: “Duyên kỳ ngộ”, “Quần tiên hội”. Tuy nhiên, ấn tượng Hàn Mặc Tử tạo ra lại thật đậm nét. Có thể dùng từ lạ để miêu tả diện mạo nghệ thuật đặc trưng trong thơ Hàn.
Có lẽ, Hàn Mặc Tử là một trong số ít những nhà thơ mới mà “quá trình sáng tác đã đi một chặng đường dài từ cổ điển qua lãng mạn rồi từ lãng mạn chuyển nhanh sang tượng trưng, siêu thực” (Phan Cự Đệ). Điều này vừa có cơ sở sâu xa từ trong quan niệm về sáng tạo của Hàn – “tôi làm thơ tức là tôi phát điên” – và hơn nữa, từ nỗi bất hạnh tột cùng trong cuộc đời. Căn bệnh phong cướp đi của Hàn Mặc Tử quãng đời tuổi trẻ đẹp đẽ sôi nổi nhất, lạnh lùng ném thi sĩ yêu đời về một xóm vắng Bình Định, cách ly hẳn cuộc đời, rồi những đau đớn về thể xác chi phối mạnh mẽ đến sáng tác, đưa linh hồn Hàn Mặc Tử phiêu du nhiều khi đến những cõi nào, ngoài cõi người, xa lắm ….
Cái lạ trong thơ Hàn Mặc Tử vì thế biểu hiện trong cả nội dung và nghệ thuật thơ. Càng về những tập thơ cuối đời người ta càng thấy thơ Hàn Mặc Tử lạ lắm, trường liên tưởng nhiều khi phóng túng, đứt đoạn, đến mức nhiều bài thơ trở nên khó hiểu. Dường như Hàn không mấy quan tâm đến sự liên kết và dường như những tác phẩm cuối đời Hàn viết chỉ để cho mình, sáng tạo như một hành vi giải tỏa những ẩn ức, để chuẩn bị cho một chuyến phiêu lưu vĩnh viễn vào cõi “thượng thanh khí”…
Hệ thống thi ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử cũng đan xen phức tạp, không thuần nhất, vừa thân thuộc, thanh khiết, thiêng liêng, cao cả vừa ghê rợn, ma quái, cuồng loạn; trong đó trăng, hoa, nhạc, hương chen lẫn hồn, máu, yêu ma… Thậm chí ngay trong cùng một hình ảnh cũng tự phân thân thành những dạng đối trọi, tương phản. Ví như trăng trong thơ Hàn có nhiều diện mạo, cũng có khi mang vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay?”
“Tơ trăng buông rèm trên muôn cành Tơ trăng vàng rung như âm thanh”
“Trăng nằm sóng soài trên cành liễu Đợi gió đông về để lả lơi”
Song cũng có lúc ma quái, rùng rợn:
“Gió rít từng cao trăng ngã ngửa, Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô”
Tuy nhiên, đằng sau thế giới hình ảnh phức tạp kia vẫn hiện rõ một con người với tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế, dù có lúc linh hồn đã muốn rời bỏ thể xác để bay vào cõi siêu nhiên. Đây chính là căn cốt lành mạnh tích cực của thơ Hàn Mặc Tử.
Đi sâu vào thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử, điều thú vị, song không đơn giản, vì thế giới đó lạ lẫm và đầy bí ẩn đối với chúng ta. Ở đây, xin nói kỹ hơn về “Thơ điên” để làm căn cứ phân tích đặc trưng cái tôi Hàn Mặc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ”.
“Thơ điên” là tên gọi ban đầu của một tập thơ được hoàn thành năm 1938, lúc này Hàn Mặc Tử đã lâm bạo bệnh. Sau này chính Hàn Mặc Tử đổi thành “Đau thương”, có lẽ để tránh hiểu lầm “điên” là một trạng thái bệnh lý (bệnh tâm thần). Thực ra cần hiểu, “điên” là một trạng thái sáng tạo khi người nghệ sĩ miên man trong một nguồn cảm hứng mãnh liệt, “điên” gần với trạng thái xuất thần, đồng thời “điên” cũng là một quan niệm thẩm mỹ độc đáo mà Hàn Mặc Tử ảnh hưởng từ văn học Pháp.
Lối “thơ điên” của Hàn Mặc Tử có những đặc trưng cơ bản như: điệu cảm xúc đặc thù là “đau thương” (vì thế mà Hàn Mặc Tử đổi tên tập thơ là “Đau thương” chăng?), chủ thể trữ tình là cái tôi li hợp bất định, kênh hình ảnh đặc thù là kì dị, mạch liên kết là dòng tâm tư bất định với những đứt – nối, lớp ngôn từ nổi bật là cực tả…
Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta bắt gặp một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yếu con người đến khát khao, cháy bỏng; một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Trong thơ Hàn, nhiều bài thơ mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, tôn giáo, nhưng đó là hình chiếu ngược của khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời. Một số bài thơ cuối đời của thi sĩ họ Hàn còn đan xen những hình ảnh ma quái – dấu ấn của sự đau đớn, giày vò về thể xác lẫn tâm hồn. Đó là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời:
“Ta còn trìu mến biết bao người Vẻ đẹp xa hoa của một thời Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng Ôi! giờ hấp hối sắp chia phôi.”
Hàn Mặc Tử trải nghiệm đau thương bằng cả tâm hồn lẫn thể xác, bằng cả điên lẫn tỉnh, bằng cả mơ lẫn thực. Thơ được phóng xuất ra từ đấy, được phóng xuất ra như thế trong ngôn ngữ và cả trong im lặng. Nguồn thơ đó băng ra từ tiếng kêu thống thiết và lâm lụy của đời mà vẫn đầy yêu thương. “Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế” (Thánh nữ đồng trinh Maria).
Tuy nhiên, càng về cuối đời, thơ ông càng tha thiết, thanh thoát, an nhiên, chấp nhận, không còn chất gào thét điên cuồng dữ dội như đã trút hết cơn “lâm lụy” nơi trần thế, dọn sạch mình để chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hàng viên mãn một vườn Xuân như ý, cầu nguyện để lại “ra đời” làm một Á Thánh cưỡi “Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao” (Đêm xuân cầu nguyện).
Biểu tượng “Trăng”, “Hồn” và “Máu” đã trở thành biểu tượng nghệ thuật bất biến, thường trực và xuyên suốt trong thơ Hàn Mặc Tử. Từ lúc bắt đầu làm thơ cho đến những ngày cuối đời ông, biểu tượng này đã theo ông bay lên “Trên thiên triều ngời chói vạn hào quang”:
Để cho hoa gió thì thào Để cho mây nước nôn nao Quên câu thương nhớ rồi sao Em ơi thế nghĩa là sao
Khi hương thơm kề lỗ miệng Khi tình mới chạm vào nhau Em ơi thế nghĩa là sao Trăng đang nằm trên sóng cỏ
Cỏ đùa trăng đến bên ao Trăng lại đẫm mình xuống nước Trăng nước đều lặng nhìn nhau… Đôi ta bắt chước thì sao ?
“Ta trút linh hồn giữa lúc đây Gió sầu vô hạn nuôi trong cây – Còn em sao chẳng hay gì cả? Xin để tang anh đến vạn ngày.”
“Máu tim ta tuôn ra làm bể cả Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.”
Ngôn ngữ thuần Việt được sử dụng một cách sáng tạo, được nâng lên một trình độ rất cao nên rất “mới” nhưng cũng rất “Việt Nam”. Nói cách khác, Hàn Mặc Tử bao giờ cũng dùng tiếng Việt một cách “đắt” và táo bạo nhất:
“Làn môi mong mỏng tươi như máu Đã khiến môi tôi mấp máy thèm. Từ lúc bóng em bỏ trái đào Tới chừng cặp má đỏ au au Tôi đều nhận thấy trong con mắt Một vẻ ngây thơ và ước ao”
Mỗi bài thơ của Hàn Mặc Tử vừa mang cấu trúc chặt chẽ vừa vận động hết sức trôi chảy và thường là rất mãnh liệt. Thơ ông khi thì như một dòng suối, nhưng thường thì giống như một dòng thác, một vệt sao băng, chứng tỏ một khí lực thơ hết sức dồi dào và nhất quán. Chính vì thế, ngươi đọc thơ Hàn Mặc Tử như bị một “ma lực” lôi cuốn vào một dòng rung cảm sôi sục của tim và óc.
Hàn Mặc Tử đã đưa vào Thơ mới những sáng tạo độc đáo, những hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú. Ngoài bút pháp lãng mạn, nhà thơ còn sử dụng bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực.